Địa chỉ mới của blog:van-hay.blogspot.com
Breaking News
Loading...
Monday, February 2, 2015

Hàn mặc tử - con đường tình một chiều

7:35 PM
HÀN MẶC TỬ - CON ĐƯỜNG TÌNH MỘT CHIỀU


16 tuổi Nguyễn Trọng Trí đã làm thơ với các bút danh chớm mùi lận đận: Phong Trần, Lệ Thanh... đến 24 tuổi mới ký Hàn Mặc Tử. "Hàn Mặc Tử" là "chàng bức rèm lạnh" hay "chàng đơn lạnh". Tên ấy ứng với dự cảm về bốn năm cuối trên đỉnh thơ cô đơn lẻ lạnh của riêng ông.


Chân dung Hàn Mặc Tử & tranh "Hàn Mặc Tử và trăng"


Để cho... đỡ "lạnh" - giai thoại kể lại - một người bạn đã đặt vầng trăng lên để "Mạc" biến thành "Mặc". Từ đó, trăng vào bút danh Hàn Mặc Tử? Hay trăng vốn dĩ biến tấu, nén nở... mãn tính trong huyết mạch của nhà thơ mắc bệnh phong, dạo đó là thứ bệnh nan y, bất trị?

Khi biết thân thể tàn rã khốc liệt, ông quằn quại viết tập thơ "Đau thương" (còn gọi là tập Thơ Điên), trong đó khát vọng sống có lúc đẩy ông vào những cơn điên loạn. Bất lực trước cảnh đẹp, tình thơ ông đã từng cuồng nộ hét lên:

Trời hỡi làm sao cho hết đói?
Gió trăng có sẵn làm sao ăn!


Nói theo ngôn ngữ hiện đại, xác ấy rữa rã ra thành muôn mảnh phô-tông lấp lánh mây-yêu và hồn-trăng-thơ rồi!

Sống và yêu là khát vọng luôn sáng tỏ như trăng nhưng cũng lại xa mờ như... trăng trong thơ Hàn Mặc Tử. Bài thơ "Đây thôn Vỹ Dạ" trong tập "Đau thương là giọng tình day dứt trong trái tim thơ;

Đây thôn Vỹ Dạ

Sao anh không về chơi thôn Vỹ
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền

Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?

Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?

Bằng cách hỏi "sao anh...", khổ thơ hiện lên bức tranh ký ức tình cảm mượt mà. Còn gì đáng yêu hơn lòng "nắng mới lên" quyện duyên "cau" thắm? Xưa Vỹ Dã vốn là đồng lau hoang dại, sau giọng Huế phát âm trại thành Vỹ Dạ. Thôn ấy bên bờ sông Hương thơ mộng lại càng trữ tình vớn bao "vườn ngọc". Nhưng "vườn ai mướt quá xanh như ngọc" mới thật sự đáng yêu hơn cả, bởi nơi đó có "lá trúc che ngang mặt chữ điền". Câu thơ xanh chất ẩn dụ thi vị yêu đời của đôi mái đầu kề nhau thì thầm trăm điều ước hẹn. Nhưng bóng câu vút đi và nẻo đời chia lối:

Gió theo lối gió, mây đường mây


Thì liệu tay nào ghì giữ được dòng Hương, hoa bắp:

Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay

Đâu? Thuyền ai một dạo đã đậu bến sông Trăng, bến 
Hàn Mặc Tử? Hay giờ chỉ còn là thuyền trăng hoài niệm. vậy mà nhà thơ vẫn đắm đuối hỏi:

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?

"Trăng Tử" đã vắng "thuyền ai" nên trăng tán sắc, tan rã trong giấc mơ của khổ thơ cuối:

Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra

Than ôi! Người mơ xưa nay hoá thành "khách đường xa", vâng chỉ là "khách đường xa", xa tít tắp vô bờ, không với tới được nữa. Càng xa, "áo em" càng trắng. Trắng quá, xa xôi quá thành... xa lạ chăng?

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?
 

"Ở đây" tức là ở trong hồn thơ vẫn thấp thoáng ẩn hiện sắc sắc không không, mờ mờ sương khói...Lòng ai đi mãi miết, "ai biết" lòng kia có còn đậm đà luyến nhớ mối duyên xanh? Giữa hai đại từ "ai" chì còn lại nẻo đường tình một chiều, thôi thúc nhà thơ về phương trời xa vô định...

Đường qua thôn Vỹ ra sao nhỉ? Đó là màu sắc mướt xanh khát vọng, chuyển sang nhạt vàng hoài vọng rồi trắng nhoà ảo vọng trong Hàn Mặc Tử? Thôn Vỹ là con đường yêu thương dẫn tới vườn thơ xanh, qua sông trăng vàng nhớ tới loãng tan màu áo sương khói mịt mùng...

Hàn Mặc Tử đã đi trên con đường tình một chiều mà không thể quay lại tìm duyên "cau", "lá trúc" được nữa.

"Ai mua trăng tôi bán trăng cho", Hàn Mặc Tử có thể bán trăng, bán hồn mình chứ "chẳng bán tình duyên" dẫu ai kia xuôi xa quên lãng... "Đây thôn Vỹ Dạ" lấp lánh hương màu ẩn dụ: có nắng lên, có trăng đợi, có sương khói... đã ám ảnh vào tâm trí của chàng thơ tài hoa bạc mệnh.
Dù sớm vội đi nhưng Hàn Mặc Tử cứ mãi yêu người, yêu đời với cả tấm lòng đắm say khát sống



nguồn: người viễn xứ

0 nhận xét:

Post a Comment

 
Toggle Footer