THƠ TÌNH XUÂN DIỆU TRƯỚC NĂM 1945
--- Lê Hương Giang ---
Thơ Xuân Diệu là đỉnh cao của phong trào Thơ mới. Sự xuất hiện của ông trên thi đàn đã góp phần quyết định cho sự toàn thắng của phong trào Thơ mới. Năm 1941, khi viết Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh, Hoài Chân đã nhận xét "Thơ Xuân Diệu là nguồn sống rào rạt chưa từng có ở chốn non nước lặng lẽ này". Tiếp sau đó, Vũ Ngọc Phan trong Nhà văn hiện đại cho rằng: "Thơ Xuân Diệu đằm thắm, nồng nàn nhất trong các nhà Thơ mới", "là người mang đến cho thơ nhiều cái mới nhất". Nguyễn Đăng Mạnh thì cho rằng "Xuân Diệu là nhà thơ của niềm giao cảm hết mình giữa con người và con người, một phát hiện về niềm hạnh phúc tuyệt vời mà cuộc sống trần thế này đã ban phát cho nhân loại". Lê Đình Kỵ trong chuyên luận Thơ mới những bước thăng trầm đã khẳng định: "Xuân Diệu xuất hiện trong phong trào Thơ mới với tất cả lòng say mê yêu đời". Trong những năm 1990, nhiều nhà nghiên cứu cũng có những nhận xét tương tự.
Ngay từ năm 1930, trong lời tựa viết cho tập Thơ Thơ, Thế Lữ đã nhận xét: "Xuân Diệu là một người của đời, một người ở giữa loài người. Lầu thơ của ông xây dựng trên đất của một tấm lòng dân gian, ông đã không trốn tránh mà lại còn quyến luyến cõi đời".
Chính "nguồn sống rào rạt", "lòng say mê yêu đời", "quyến luyến cõi đời" đã đem đến cho thơ Xuân Diệu những nét mới lạ. Nói như tác giả Thi nhân Việt Nam: "Xuân Diệu mới nhất trong các nhà thơ mới". Cái mới ở đây là một mạch sống mới, một cách cảm xúc mới được thể hiện bằng một ngôn ngữ, một giọng điệu mới lạ chưa từng có. Đó là khả năng diễn đạt những rung cảm tinh tế của cái tôi cá nhân cá thể, tạo nên một cách tân đáng ghi nhận so với thơ truyền thống.
Trong thơ truyền thống, con người trở nên bé nhỏ, tan biến trong vũ trụ, hoặc con người hướng tới cái thiêng liêng, cái siêu việt. Trong thơ Xuân Diệu, con người cá nhân được ý thức và khẳng định như là trung tâm của vũ trụ, "Ta là Một, là Riêng, là Thứ Nhất". Có thể nói, đến Xuân Diệu, cái tôi cá nhân thực sự được giải phóng. Nhà thơ phát biểu hết sức chân thành những cảm xúc thiết tha, mãnh liệt của trái tim tràn đầy, cháy bỏng:
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước và cây và cỏ rạng
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi
Hỡi Xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi.
(Vội vàng)
Vội vàng là bản tuyên ngôn của niềm khát sống và thèm yêu đến mãnh liệt. Chính khát vọng sống mãnh liệt, yêu cuồng nhiệt ấy đã tạo nên một thế giới nghệ thuật riêng trong thơ Xuân Diệu. Xuân Diệu ví mình như "con chim đến từ xứ lạ ngứa cổ hát chơi", nhưng đó phải là tiếng hát thiết tha nồng nàn đến "vỡ cổ".
Ông kêu gọi:
Mở miệng vàng và hãy nói yêu tôi
Dù chỉ trong một phút mà thôi.
(Mời yêu)
Ông van xin:
Và hãy yêu tôi một giờ cũng đủ
Một giây cũng cam, một chút cũng đành.
(Lời thơ vào tập gửi hương)
Ông đòi hỏi:
Hãy sát đôi đầu! Hãy kề đôi ngực
Hãy trộn nhau đôi mái tóc ngắn dài
Những cánh tay hãy quấn riết đôi vai
Hãy dâng cả tình yêu lên sóng mắt
Hãy khăng khít những cặp môi gắn chặt
(Xa cách)
Ông khát khao được "ôm", được "ghì", được "say", được "cắn"... Tất cả đó là biểu hiện của một khát vọng sống mãnh liệt, khát vọng ấy biểu hiện tập trung nhất ở tình yêu. Cảm hứng tình yêu là cảm hứng chủ đạo của thơ Xuân Diệu trước Cách mạng tháng Tám. Ông có tuyên ngôn thơ về tình yêu một cách công khai, nâng tình yêu thành triết lí sống:
Làm sao sống được mà không yêu
Không nhớ không thương một kẻ nào
(Bài thơ tuổi nhỏ)
Nhà thơ quan niệm tình yêu như "là phần ngon nhất của cuộc đời" mà con người không thể thiếu được. Nhà thơ viết về tình yêu với những cung bậc khác nhau. Cảm xúc tình yêu trong thơ Xuân Diệu mãnh liệt, mặn nồng nhưng chân thành và mới mẻ. Đó là một tình yêu đích thực, không nghiêng về nhục cảm mà hài hòa, rất trần thế nhưng cũng rất lí tưởng, rất nhục thể nhưng cũng rất tâm linh. Nói như Nguyễn Đăng Mạnh: "Xuân Diệu không quan niệm tình yêu chỉ là sự giao cảm xác thịt mà còn là sự giao cảm của những linh hồn mà đấy mới là cái khát vọng cao nhất, cái đích cao nhất trong tình yêu".
Biển đắng không nguôi nỗi khát thèm
Nên lúc môi ta kề miệng thắm
Trời ơi, ta muốn uống hồn em
(Vô biên)
Nhưng bên cạnh những cảm xúc nồng nàn của lòng ham sống, thơ Xuân Diệu cũng tràn đầy éo le và bi kịch. Càng chân thành, say mê, càng thèm khát được giao cảm với đời thì càng cô đơn và xa cách:
Em là em, anh vẫn là anh
Có thể nào qua Vạn Lý trường thành
Của hai vũ trụ chứa đầy bí mật.
Cảm giác cô đơn trong thơ Xuân Diệu thật thấm thía: "Tôi như con nai bị chiều đánh lưới". Cái tôi cô đơn, bơ vơ cũng là một hình tượng thơ tiêu biểu của Xuân Diệu trước Cách mạng Tháng Tám. Cô đơn ngay cả lúc tưởng như hạnh phúc ở gần kề:
Trăng sáng, trăng xa, trăng rộng quá
Hai người, nhưng chẳng bớt bơ vơ.
(Trăng)
Một nỗi buồn da diết tràn ngập tâm hồn:
Gió sáng bay về thi sĩ nhớ
Thương ai không biết đứng buồn trăng.
(Buồn trăng)
Tác giả Thi nhân Việt Nam đã khái quát: "Đời chúng ta nằm trong vòng chữ tôi. Mất bề rộng ta tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu càng thấy lạnh". Nhận xét đó dường như tiêu biểu cho Xuân Diệu:
Em sợ lắm giá băng tràn mọi nẻo
Trời đầy trăng lạnh lẽo buốt xương da
(Lời kĩ nữ)
Cuối cùng con người khao khát yêu ấy cũng là con người lạc bước:
Lòng ta là một cơn mưa lũ
Đã gặp lòng em là lá khoai
(Nước đổ lá khoai)
Trong cái xã hội xám xịt ấy, Xuân Diệu không tìm được niềm giao cảm nào. Đó cũng là bi kịch lớn nhất trong thơ tình Xuân Diệu trước Cách mạng Tháng Tám. Nhà thơ cũng ý thức được rằng trong cái xã hội mà "cơm áo không đùa với khách thơ" thì:
Ta như cô khách khoảng đìu hiu
Đã gặp chiều hôm, lại bước liều
Muốn trốn sầu đơn muôn vạn kiếp
Lại tìm sa mạc của tình yêu.
(Nước đổ lá khoai)
Do vậy thơ ông đầy những trăn trở, tiếc nuối về những phút trao yêu sao quá ngắn ngủi, về "tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại". Ông rất nhạy cảm với sự đổi thay của người đời "sự thật hôm nay không thật đến ngày mai", "đời trôi chảy lòng ta không vĩnh viễn". Điều đó làm Xuân Diệu hốt hoảng, vội vàng, giục giã để tìm hiểu và tận hưởng hạnh phúc. Nhưng càng tìm kiếm càng cô đơn và tội nghiệp. Tấm lòng yêu mến cuộc sống của Xuân Diệu rất thiết tha nhưng không được đáp ứng như mong đợi của mình. Điều này tạo nên âm hưởng bi kịch trong lời thơ, giọng điệu thơ của Xuân Diệu.
Nguồn: Sưu Tập
0 nhận xét:
Post a Comment