Nguyễn Khuyến-người tiêu biểu cho tâm hồn Việt
Thi hào Nguyễn Khuyến (1835-1909), thuở nhỏ tên Thắng, tự Miễn Chi, hiệu Quế Sơn, sinh ở quê mẹ, nhưng tám tuổi về sống ở quê cha, làng Vị Hạ, tục gọi là làng Và (nay thuộc xã Yên Ðổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam)...
Trải hai mươi năm theo nghiệp khoa cử, Nguyễn Khuyến từng đỗ đầu ba kỳ thi Hương, thi Hội, thi Ðình, mà từ đây ông được gọi là "Tam nguyên Yên Ðổ". Trong hơn mười năm tham gia chính sự, ông từng làm việc ở Quốc sử quán và Bộ Hộ trong triều đình Huế; được bổ dụng chức Ðốc học, án sát, Bố chánh ở các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Ngãi, rồi ông kiên quyết cáo hưu ở tuổi năm mươi (1884) và mất tại quê nhà...
Về sáng tác, Nguyễn Khuyến sử dụng cả chữ Hán và chữ Nôm, làm thơ Ðường luật và các thể cổ phong, lục bát, hát nói, văn sách, văn tế, câu đối, ký và tự dịch thơ của chính mình từ Hán sang Nôm. Số lượng tác phẩm của ông đến nay đã sưu tập tới hơn 800 bài, bước đầu đã công bố được hơn một nửa. Trên phương diện hình thức thể loại, về cơ bản Nguyễn Khuyến vẫn trung thành với các thể thơ Ðường luật và chưa có những cách tân nào thật đặc biệt. Tuy nhiên, ông lại tạo nên sự khác biệt và đạt tới đỉnh cao trong nghệ thuật biểu hiện tiếng nói trữ tình, tiếng nói của bậc đại khoa bình dân, bậc đại quan nhập cuộc đời thường, trở thành nhà thơ thứ nhất của "quê hương làng cảnh Việt Nam" (Xuân Diệu). Thấm nhuần đạo lý nơi cửa Khổng sân Trình, thế nhưng Nguyễn Khuyến không nói nhiều đến ơn vua lộc nước và cũng không ham công danh sự nghiệp. Sống giữa thời buổi loạn lạc, trước sau Nguyễn Khuyến vẫn hướng về thôn quê, chuyển trọng tâm cả hệ thống chủ đề, đề tài, nhân vật, cảnh vật về nơi cố hương bình dị. Có thể nói môi trường khoa cử đã rèn đúc Nguyễn Khuyến thành một nhà Nho chính thống nhưng thực tại đất nước gắn với hơn hai mươi năm khoảng cuối cuộc đời, đặc biệt kể từ khi quyết chí cáo hưu, đã khiến tâm hồn ông trở nên có nhiều sóng gió, vừa ngơ ngác giữa cõi đời, vừa đau đáu nỗi niềm thương nước, thương dân.
Trong tâm thế một nhà Nho, Nguyễn Khuyến bất lực trước việc đất nước bị người Pháp xâm chiếm. Không còn đủ sức tham gia chiến trận, ông đành bằng lòng trở về cố hương để bảo toàn khí tiết: Mười năm trời bôn ba trên một con đường - Nay trở về may mắn ta vẫn còn là ta (Lời than lúc cuối xuân). Gián cách với chốn quan trường nửa Tây nửa ta, ông mỉa mai cái thứ hội hè bát nháo, muốn thức tỉnh tư cách "người" trong mỗi con người: Khen ai khéo vẽ trò vui thế - Vui thế bao nhiêu nhục bấy nhiêu (Hội Tây). Tuy nhiên, trước sức mạnh của kỹ thuật Tây phương, Nguyễn Khuyến bàng hoàng trước thực tại mới, phê phán cả những phương diện đưa đến tiến bộ xã hội: Khoét rỗng ruột gan trời đất cả - Phá tung phên giậu hạ di rồi (Hoài cổ). Ông cho rằng việc khai mỏ, làm đường đã phá tan cả "long mạch", khiến cuộc sống không còn được bình yên như trước nữa. Có thể đó là cái giá phải trả của thời đại thực dân hóa, thời đại thực dân nửa phong kiến mà Nguyễn Khuyến đã ít nhiều cảm nhận được với rất nhiều ngờ vực. Ði xa hơn, ông tỏ lòng yêu nước bằng những bài thơ vịnh sử, ngợi ca từ Ðổng Thiên Vương, Hai Bà Trưng đến Trần Hưng Ðạo, Chu Văn An, Nguyễn Trãi...
Trở về quê nhà, Nguyễn Khuyến còn bộc lộ tiếng nói trào phúng gắn quyện với trữ tình. Một mặt, ông châm biếm sâu cay bọn quan lại gian tham, thói đạo đức giả, nhưng ông lại rất xao xuyến cảm thương những cuộc đời nghèo khó, giàu ân nghĩa, tình người. Từ sâu thẳm cõi lòng, Nguyễn Khuyến cất lên tiếng thơ trào lộng sâu lắng, tự phân thân mà chê cười những "tiến sĩ giấy", "ông phỗng đá", "anh giả điếc" và sự vô vị của con đường khoa cử: Nghĩ mình lại gớm cho mình nhỉ - Thế cũng bia xanh cũng bảng vàng (Tự trào)... Trên tất cả, Nguyễn Khuyến chạnh lòng thương nhớ những người bạn, những lão nông, những cuộc đời bình dị. Ông gắn bó với vườn Bùi chốn cũ, đặc biệt có thể nói, ba bài thơ Vịnh mùa thu, Câu cá mùa thu, Uống rượu mùa thu của ông đã đạt tới đỉnh cao của dòng thơ đề vịnh, ngợi ca làng cảnh thôn quê Việt Nam.
Người đời không nhớ nhiều tới Tam nguyên Yên Ðổ trên danh vị đại khoa và cũng là bậc đại quan nhưng sẽ mãi nhớ đến Nguyễn Khuyến trong tư cách một thi nhân. Thơ Nguyễn Khuyến thật sự tiêu biểu cho tâm hồn người Việt và phong vị, cốt cách Á Ðông. Có thể coi ông là đại biểu cuối cùng của mẫu hình thi nhân nhà Nho chính thống, là "quả pháo đùng" tổng kết nền thi ca cuối mùa trung đại.
0 nhận xét:
Post a Comment